Sau một hồi xin phép “mỏi tay” tác giả Kiều Hải Yến thì cũng được bạn ấy “gật đầu” một cú. Vì vậy hôm nay mình sẽ gửi đến các bạn bài viết “Ba đồng một mớ nội dung”
Bài viết đã phản ánh khá rõ một thực trạng hiện nay xoay quanh 1 chữ “copywrite“. Bản thân mình cũng đã chứng kiến nhiều câu chuyện “bi hài” giữa người thuê và người viết nội dung. Thôi, không dài dòng nữa. Đọc đọc và đọc…
“Ba đồng một mớ nội dung
Sao không ai hỏi những ngày còm lưng?”
Người viết phá giá, người mua ép giá, copywriter là chuyên gia xào nấu. 3 yếu tố biến sự quan trọng của nội dung thành một thứ hỗn tạp – rẻ mạt.
Nếu bạn đang lướt news feed và bắt gặp những tin như thế này, bạn có cảm nhận như thế nào?
Nếu bạn đang lướt news feed và bắt gặp những tin như thế này, bạn có cảm nhận như thế nào?
- Bạn không chú ý lắm – bạn là những người không liên quan đến việc viết lách, không thuê cũng không làm thuê trong lĩnh vực này.
- Bạn thấy bình thường, kéo xuống xem comment, nếu thấy ai đó bảo đã inbox hoặc báo giá hoặc để lại email, bạn cũng chú ý người này, note lại để dành, sau này có việc có thể liên hệ – bạn là người có khả năng sẽ thuê copywriter hoặc bạn là người đang cần tìm CTV về content.
- Bạn thấy bực bội, comment vào với lời lẽ hằn hộc, khó chịu, mỉa mai. Bạn đích thị là một trong những người đang làm copywriter, đang cảm thấy uất ức khi người khác không đánh giá đúng về giá trị công việc của bạn.
- Bạn cười khẩy rồi chụp màn hình lại, bỏ vào thư mục vui – hài. Lâu lâu post lên Facebook hay MXH khác, cũng mục đích gây hài. Mình chắc, bạn cũng đang là copywriter.
#1: Khách hàng
“Copywriting thôi mà các bạn làm ghê quá”. Câu này cũng giống như bạn nói với Art Director “Mình thấy màu sắc, font chữ, concept cũng thường thôi mà sao chém như máy cắt cỏ vậy”. Nếu bạn gặp những người viết bình thường hay những người làm nghệ thuật ở mức trung bình, họ chỉ cần bình thản bảo bạn đi chỗ khác. Nhưng nếu bạn gặp một người có cái tôi lớn, họ sẽ giảng giải cho bạn hằng hà sa số những lí do để nâng cao công việc của họ, lúc này, mình vẫn chưa nói đến chuyên môn và khả năng của họ, chỉ nói đến cái tôi của họ thôi. Vậy nên, nếu bạn đang đi thuê copywriter, mà bạn bèo với họ quá, bạn sẽ nhận lại được những lời không tốt đẹp như trên.
- Bạn đánh giá tầm quan trọng của nội dung quá thấp, bạn sẽ tìm thuê người viết với giá rẻ, và kết quả, bạn được một mớ hỗn độn, không khiến người đọc thích thú, không tăng traffic, không chuyển đổi, …
- Bạn đánh giá tầm quan trọng của nội dung quá cao, chỉ đề cao nội dung, bạn đi tìm những chuyên gia học thuật, viết ra những nội dung sâu thăm thẳm mà người đọc – khách hàng mục tiêu cũng không cảm nổi, hiểu nổi thì bạn đang tốn tiền vô ích.
- Bạn đánh giá nội dung quan trọng, nhưng chỉ làm riêng một mình nội dung, các khâu khác không ngó ngàng, lại là một bước dẫn đến thất bại khác. Vì một mặt hàng, dù cơ bản đến đâu, như gạo, muốn bán tốt, không chỉ cần có mặt tiền to, dễ tìm, bảng giới thiệu thu hút, giá tốt mà còn phụ thuộc vào thái độ bán hàng, hình thức thanh toán, giao hàng, giờ mở cửa đóng cửa, …
Bảng hiệu, khẩu hiệu (content) chỉ là một trong những yếu tố làm nên thành công cho một nhãn hiệu. Tương tự, mặt tiền to (SEO) cũng chỉ là 1 ngách nhỏ của marketing, nếu chỉ chằm chặp nhìn vào đó, đầu tư vào đó mà quên đi khâu bán hàng, chốt hàng, cũng khó mà thành công.
#2: Thuê CTV
Không chỉ người thuê copywriter mới rẻ rúng nghề làm content, mà ngay chính những người đang trong nghề, cũng tự hạ thấp nghề của bản thân mình.
“Cái gì cũng có giá của nó”. Bạn thuê người ta giá thấp, công việc nhiều, đòi hỏi nhiều, thì bạn cũng sẽ nhận lại kết quả tương xứng – bài viết không đầu tư, chắp vá, xào nấu (bạn đâu thể kiểm tra hết, sao biết được bài viết đó mới hoàn toàn hay không?), trễ deadline, viết cho đủ kí tự, viết cho dài dòng, nhưng không có ý chính, không có đột phá, không khiến cho người đọc cảm thấy thích thú, cũng khiến cho người đọc quay lưng lại với bạn.
Trong bất cứ ngành nghề nào, cũng có đối thủ cạnh tranh, và cạnh tranh ngày càng khốc liệt hơn khi nhiều người tự hạ thấp chất xám của mình, ép giá để lôi kéo khách hàng mà họ biết – một đi không trở lại. Kinh doanh dạng “ăn xổi”, không chỉ làm thiệt hại tiếng tăm của chính bản thân mình, mà còn làm cho người tiêu dùng có cái nhìn không đúng về ngành mà bạn đang làm.
Bạn có thể sẽ biện minh “Mình làm giá thấp nhưng chất lượng cao”. Ở đời, không ai cho không biếu không một cái gì đó mà họ không nhận lại được quyền lợi gì. Nếu bạn thấy khả năng, tiềm năng của mình, bạn sẽ không làm việc đó miễn phí, cũng chắc chắn không phải ở mức giá lẹt đẹt.
#3: Copy – paste và xào nấu
Ngay cả khách hàng lẫn người làm content, đều có chung quan điểm – xào nấu nội dung.
- Thứ nhất, là nó đơn giản hơn việc ngồi suy nghĩ ra nội dung hoàn toàn mới.
- Thứ hai, làm như vậy ít tốn công hơn.
- Thứ ba, chi phí thấp hơn.
- Thứ tư, ngầu hơn là dịch nội dung từ nguồn nước ngoài rồi thản nhiên kí tên lên đó là thành quả của mình. Cái này khó phát hiện, xào nấu cao cấp hơn.
Người ta có cái quan điểm, những món như thịt chó, xào bần, thịt kho trứng, … càng hâm lại nhiều lần càng ngon. Nhưng, bạn có biết, thức ăn được hâm lại nhiều lần sẽ chứa nhiều chất độc hơn thức ăn chỉ dùng một lần? Trở lại vấn đề, bài viết càng bị xào nấu nhiều, càng làm cho người đọc ngán ngẫm. Khi đọc ngày càng tinh vi, thông minh và khắt khe hơn, thì những việc bạn làm có đúng là đang đầu tư quảng bá cho chính bạn hay đang lãng phí nguồn tài chính của chính mình? Hơn hết, bạn nhận lại được gì qua những bài viết đó? Mất thời gian, mất chi phí (mặc dù thấp), mất luôn lượng bạn đọc trung thành, bộ máy của google cũng không đánh giá cao “nổ lực” duy trì nội dung của bạn. Có thể nói nôm na là “tiền mất tật mang” dù cái “tật” ở đây hơi mất thời gian để thấy.
#4: Lương tâm của người làm nội dung, người dùng nội dung và người đọc nội dung
#4- 1: Người làm nội dung
- Bạn xưng mình là copywriter, mà suốt ngày đi search nội dung của người khác, lắp ráp lại, cho thêm chút muối, chút đường, chút màu hóa học, thì bạn có xứng đáng với cái nghề của mình không? Bạn phá giá, bạn lấy giá rẻ như cho, rồi bạn đẩy cho khách hàng một mớ bùi nhùi, không thể dùng được, bạn có thấy có lỗi, dù chỉ một chút?
- Bạn nói bạn là người làm nội dung sáng tạo, mà bạn không tìm hiểu về câu chuyện của khách hàng, không biết gì về sản phẩm của họ, bạn chỉ viết một cách chủ quan và cảm tính, khen đụng mây xanh. Vậy khác nào một người stylist, chọn đồ cho người khác mà không biết số đo của họ, ưu khuyết điểm của họ. Sau đó khen lấy khen để mặc dù bạn đang thấy 1 người gầy gò trong trang phục của một … bà bầu!
- Bạn nói mình là chuyên gia viết bài thu hút. Vậy bạn thu hút người đọc bằng những tit nhảm không liên quan đến bài viết, những tit gây sock, gây mất đoàn kết, gây hiểu lầm và bôi nhọ người khác? Bạn thích thú khi bài viết của bạn có lượt đọc cao nhất và lượt comment ngất ngưỡng?
- Bạn nói bạn là người làm nội dung, rất khắt khe với nội dung, mà bạn copy bài của người khác, chẳng những không xin phép, mà còn trắng trợn xóa watermark của họ rồi đăng lên web của mình. Bạn có bao giờ nghĩ thành quả của bạn bị người khác ăn cắp y như vậy, bạn sẽ cảm giác như thế nào không? Thứ mà bạn hay xem trên phim Hàn Quốc ấy, cô gái lọ lem vẽ cả trăm mẫu, rồi đưa cho “ma cũ” nhờ trình bày, xong ý tưởng đó lại thành của “ma cũ”, vừa xem bạn có vừa chửi không?
#4 – 2: Người dùng nội dung
Bạn là người dùng nội dung, người đi thuê, biết rõ tầm quan trọng của nội dung, mà quá dễ dãi với nội dung, khuyến khích người viết cứ “ăn cắp” của người khác, rồi ngày có vài chục bài cho bạn là được, vậy khác nào tự “đào hố chôn mình”! Câu nói đó không hề khó nghe hay phiến diện, vì thực sự bạn đang đào 1 cái hố “nội dung” sâu hoắm cho chính nhãn hàng của mình, hàng ngày lấp đầy nội dung vào hố, nhưng quên rằng mình đang ở dưới hố!
Bạn là người dùng nội dung, bạn phải thẩm định được chất lượng của bài viết. Nếu bài viết tốt, bạn không được trả những đồng rẻ mạt. Nếu bài viết tồi, bạn có quyền không nhận hoặc nhờ chỉnh sửa, đừng dửng dưng, đừng bắt thang cho những bài viết tồi có cơ hội phát triển.
Bạn là người dùng nội dung chính, bạn phải nghĩ mình như một biên tập viên tờ báo của mình (website). Bạn mong muốn người đọc đọc được những nội dung hay ho, đặc sắc nhất, chứ không phải là kiểu bài nhàn nhạt có thể tìm kiếm được ở bất kì đâu.
#4 – 3: Người đọc
Người đọc cũng được chia ra thành nhiều bộ phận, có người khó khăn chỉ thích đọc nội dung mới mẻ, văn phong chững chạc, thông minh, hóm hỉnh. Có những người dễ dàng hơn, đọc chỉ để giải trí. Lại có những người cẩu thả, hóng chuyện, chỉ thích đọc những bài viết soi mói, phong trào.
Ứng với từng đối tượng, bạn cũng sẽ nhận lại được những phong cách tỉ mỉ, chỉnh chu trong bài viết hay giải trí hay “gây sock cộng đồng mạng”. Đừng đòi hỏi những bài viết nhảm nhí biến mất khi bạn còn quá dễ dãi với nội dung!
Bài viết viết những điều ai cũng nhìn thấy, nhưng để sửa đổi những điều này cần mọi người thay đổi tư duy và hành động chứ không chỉ gật gù rồi cho qua.
nguồn: Thái Mèo Blog
0 nhận xét trong bài "Ba đồng một mớ nội dung"
Post a Comment